Đội tuyết vượt sông, tiết chế Kiến Khang Trương Tuấn (nhà Tống, sinh 1097)

Tháng giêng năm thứ 31 (1161), quân Kim nam hạ, Tống Cao Tông giải trừ hạn chế đi lại đối với Trương Tuấn. Ông đến Đàm, nghe tin Khâm Tông băng hà, kêu khóc không ăn uống, dâng sớ yêu cầu triều đình định sách lược chiến đấu. Tháng 11, đổi làm Phán Kiến Khang phủ. Chưa được bao lâu, đại quân của Kim Hải Lăng Vương Hoàn Nhan Lượng xâm phạm, trong ngoài chấn động. Tháng 10, ông nhận hàm Quan Văn điện Đại học sĩ, chức Phán Đàm Châu. Tháng 11, ông nhận chức Phán Kiến Khang phủ kiêm Hành cung lưu thủ. Quân Tống thất thế, chủ soái Lưu Kĩ lui về Trấn Giang. Trương Tuấn ở Nhạc Dương mua thuyền, đội gió tuyết lên đường, khi ấy được tin quân Kim đã thiêu hủy Thái Thạch, không ai dám sang bờ bắc, chỉ có 1 chiếc thuyền nhỏ của ông vượt sông. Qua khỏi Trì Dương, được tin Hoàn Nhan Lượng đã chết, ông đến khao thưởng quân đội của Lý Hiển Trung. Sau khi đến Kiến Khang, Trương Tuấn gởi điệp cho Thông phán Lưu Tử Ngang chuẩn bị nghênh đón xa giá.

Năm thứ 32 (1162), xa giá đến Kiến Khang, Trương Tuấn lạy ở bên đường, vệ sĩ trông thấy, đều chắp tay vái chào cung kính. Ông bị phế rồi lại được dùng, phong thái thản nhiên, quân dân rất kính trọng. Xa giá sắp về Lâm An, Cao Tông úy lạo rằng: "Khanh ở đây, trẫm không lo gì phương bắc nữa!" Trương Tuấn được kiêm Tiết chế Kiến Khang, Trấn Giang phủ, Giang Châu, Trì Châu, Giang Âm quân (đơn vị hành chính) quân mã.

10 vạn quân Kim vây Hải Châu, Trương Tuấn mệnh Trấn Giang đô thống Trương Tử Cái đi cứu, đại phá địch. Ông chiêu tập trung nghĩa, rồi mộ tráng dũng Hoài Sở, dùng Trần Mẫn làm Thống chế. Ông cho rằng địch giỏi kỵ, ta giỏi bộ; đánh bộ thì cần nỏ, bắn nỏ thì cần xe, nên mệnh cho Trần Mẫn chế nỏ, sửa xe.